đổi thưởng tải go88 về android - link đổi thưởng

Trang chủ Tin tức Nhật ký tâm hồn

Một bài thơ nhỏ đáng yêu

10/04/2023
Mời các thầy cô, quí phụ huynh và các bạn học sinh cùng đến với một bài thơ rất đáng yêu của học sinh Nguyễn Bảo Minh – lớp 6A3, THCS Nguyễn Trãi:
                                            MÈO CẮN
Mới ngày nào còn sống
Chú chuột leo ô cửa
Rồi ngáp miệng đòi ăn
Làm ta cười bò lăn

Mèo kia cho ta hỏi
Chuột Cống sao không cắn
Mà lại cắn Chuột Nhà
Làm ta buồn cả sáng
 
Bạch ơi, là chuột Bạch!
Sao mèo cắn không kêu
Gọi ta ra ứng cứu
Nào có mất chi đâu?
 
Mấy hôm trước mèo phá
Cái lồng rách tả tơi
Tưởng còn cái chuồng thép
Ta cứ nghĩ an toàn.
 
Vì không nghĩ mèo cắn
Nên không kiểm tra kĩ
Ôi! Thật là bất ngờ,
Hoá ra, mèo phá được.
 
Đáng tiếc không nhận ra
Bỏ mặc chú ngoài đó
Ta thật là có lỗi
Giờ phải biết làm sao?
 
Giờ có xin lỗi chú
Thì cũng đã muộn rồi
Vậy mong chú siêu thoát
Được thảnh thơi nơi đâu
 
Chắc nơi đó sướng hơn
Hơn cái lồng chật chội
Hơn bữa cơm rong biển
Chú sẽ sống tốt thôi…
          (Nguyễn Bảo Minh – học sinh lớp 6A3, THCS Nguyễn Trãi)
Bài thơ là lời tự trách, là lời tự an ủi, là lời từ biệt với con vật nuôi yêu quí của nhân vật cậu bé trong bài thơ.
Mạch cảm xúc của bài thơ rất tự nhiên và liền mạch. Bài thơ bắt đầu từ dòng hồi tưởng, kỉ niệm vui vẻ của cậu bé gắn với chú Chuột Bạch háu ăn. Chú Chuột Bạch càng đáng yêu trong hồi ức thì trở về với thực tại, cậu bé lại lại càng buồn hơn khi giờ chú không còn nữa, chỉ vì một lí do đơn giản là bị mèo cắn.
Từ nỗi xót xa, cậu bé hỏi tội, trách cứ Mèo. Câu hỏi “Chuột Cống sao không cắn/ Mà lại cắn Chuột Nhà” tưởng như vô lí nhưng lại rất hợp lí trong suy nghĩ của cậu bé: Mèo thì tất nhiên là thích bắt chuột, nhưng khi chú Chuột Bạch được đưa về nhà, được nuôi dưỡng, chăm sóc thì với cậu bé, cả Chuột và Mèo đều là những thành viên trong cùng một gia đình, mà như vậy thì không thể làm tổn hại nhau được.
Rồi cậu bé lại chuyển sang trách cứ Chuột “Sao mèo cắn không kêu/ Gọi ta ra ứng cứu/Nào có mất chi đâu?”. Câu hỏi chất vấn nhưng thực ra là để giãi bày tình cảm, tấm lòng: Ta luôn sẵn lòng giúp mà lại không gọi ta. Câu gọi, cảm thán “Bạch ơi, là chuột Bạch!” thể hiện nỗi lòng xót xa, tiếc thương của cậu bé đối với con vật nuôi thân yêu của mình.
Ba khổ thơ tiếp theo là lời cậu bé trong bài thơ tự trách mình. Nếu như tác giả chỉ dành một khổ để diễn tả lời trách cứ của cậu bé đối với Mèo, dành một khổ để diễn tả lời trách cứ của cậu bé đối với Chuột Bạch thì dành đến 3 khổ thơ tự trách bản thân. Cậu cho rằng lỗi của cậu là “tưởng”, “nghĩ” cái chuồng thép an toàn nên không kiểm tra kĩ, “không nhận ra” nguy cơ tính mạng của Chuột Bạch bị đe doạ và “bỏ mặc” chú chuột nhà. Đến đây, nỗi ân hận của cậu bé được bộc lộ một cách trực tiếp qua những từ ngữ: “Ôi”, “đáng tiếc”, “biết làm sao”.
Nếu bài thơ dừng lại ở đây thì có lẽ sẽ không làm cho người đọc xúc động và ấn tượng về cậu bé đến thế. Hai khổ cuối của bài thơ là lời từ biệt, cũng là lời nguyện cầu đầy lạc quan của cậu bé cho một tương lai tốt đẹp hơn đến với Chuột Bạch. Tâm hồn đầy yêu thương, nhân ái và chân thành của trẻ thơ được bộc lộ sâu sắc, tự nhiên!
Khổ thơ kết thúc giúp cho bài thơ không mang màu sắc bi luỵ mà mang lại cảm giác lạc quan cho người đọc:
Chắc nơi đó sướng hơn
Hơn cái lồng chật chội
Hơn bữa cơm rong biển
Chú sẽ sống tốt thôi…
Đọc đến đây, tôi có một cảm xúc đặc biệt: đó là sự cảm động về tình bạn gắn bó thân thiết của trẻ thơ với loài vật, đó là niềm hân hoan khi bắt gặp một tâm hồn trong sáng, đầy yêu thương, đó là niềm tin về nghị lực vượt lên những mất mát trong cuộc sống, để hướng đến ngày mai…
Bài thơ như một lời tâm tình mang theo một câu chuyện nhỏ, từ ngữ giản dị, chưa thật chuẩn trong cách gieo vần nhưng lại đem đến cho người đọc những suy nghĩ sâu sắc về trẻ thơ, về tình bạn, về cuộc sống…!
   (Lời bình: Cô Lê Hoàn Châu - dạy Ngữ văn, THCS Nguyễn Trãi)
Cô Lê Hoàn Châu
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 26 đánh giá
Chia sẻ: